Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 18h ngày 21/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 20/11 đến 18h ngày 21/11: 1 ca mắc mới, là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 80 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 95 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 112 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng
Thông tin ca mắc mới: 1 ca mắc mới (BN1306) là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể:
CA BỆNH 1306 (BN1306): nam, 38 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 19/11/2020, BN1306 từ Đức nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5036, được cách ly ngay tại tỉnh Quảng Ninh.
Kết quả xét nghiệm ngày 20/11/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh dương tính với SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.582, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 223
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.390
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 969.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.142 bệnh nhân/ 1.305 bệnh nhân COVID-19
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 11 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 9 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01)
Thế giới hiện ghi nhận gần 57,3 triệu
ca và 1,37 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là trên 39,7 triệu ca.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm ghi nhận ở mức 12.072.560 trường hợp và 258.354 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức nước này khuyến cáo người dân không đi du lịch trong dịp Lễ Tạ ơn vào tuần tới, đồng thời đưa ra các biện pháp hạn chế tại nhiều địa phương dịch bệnh vùng phát mạnh. Bang California đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 22h-5h, nhằm hạn chế việc tụ tập tại nhà, cũng như các hoạt động ngoài trời, có hiệu lực từ 21/11, đồng thời gia hạn lệnh hạn chế đi lại tại khu vực biên giới với Canada và Mexico.
Bang Arkansas cấm các nhà hàng, quán rượu và các câu lạc bộ tư nhân hoạt động sau 23h. Quy định này có hiệu lực từ ngày 20/11 và kéo dài đến ngày 3/1. Các trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 100 USD đến 500 USD, hoặc phạt tù tới 1 tháng.
Tiếp theo là Ấn Độ với 9.006.079 ca nhiễm (132.223 trường hợp tử vong). Chính quyền Ấn Độ cũng đang áp dụng những biện pháp quyết liệt để phòng dịch COVID-19 lây lan do lo ngại dịch tái bùng phát sau lễ hội Diwali. Chính quyền thành phố New Delhi cho biết đang nỗ lực để tăng số giường bệnh trong các khoa điều trị tích cực của các bệnh viện, đồng thời sẽ tăng tiền phạt lên 2.000 Rupee (27 USD), gấp 4 lần so với trước đó, đối với những người không đeo khẩu trang.
Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 5.983.089 ca nhiễm (168.141 trường hợp tử vong).
Châu Á hiện là khu vực có tổng số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới (hơn 15,46 triệu ca với 272.855 ca tử vong), trong đó Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với hơn 9 triệu ca. Trong 24 giờ qua, toàn châu lục ghi nhận thêm 107.044 ca nhiễm mới, trong đó có 1.720 ca tử vong.
Châu Âu xếp ngay sau Châu Á về số ca nhiễm COVID-19 với xấp xỉ 15 triệu ca nhiễm sau khi ghi nhận thêm 262.043 ca nhiễm trong ngày 19/11. Số ca tử vong tại châu lục này hiện cao thứ 2 thế giới sau Bắc Mỹ, với 342.200 trường hợp. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất khu vực này và đứng thứ 4 về số ca nhiễm, với 2.086.288 trường hợp.