Nơi đây đã góp phần hun đúc tình yêu quê hương đất nước, nghệ thuật cho các nghệ sỹ, truyền cảm hứng cho đông đảo công chúng, nhân dân và bạn bè quốc tế thông qua các tiết mục, chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đi đầu trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Ngày 16/11/1951, tại vạt rừng ở ấp Canh Nông, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương đã chính thức được thành lập với 3 tổ: kịch, ca múa và chèo. Đây là tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam ngày nay, cũng chính là cái nôi rèn luyện thế hệ nghệ sỹ đầu tiên của đất nước.
Từ nơi đây, các thế hệ nghệ sỹ đã nối tiếp nhau trưởng thành; cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa nghệ thuật cách mạng. Trải qua bao thăng trầm, Nhà hát vẫn luôn là đơn vị nghệ thuật đi đầu trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế vào những dịp lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước.
Mới đây nhất, các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã trình diễn thành công hai chương trình nghệ thuật lớn. Đó là chương trình nghệ thuật chủ đề "Âm vang đại ngàn” chào mừng khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội. Chỉ trong 15 phút, chương trình đã chuyển tải được đầy đủ nội dung, ý nghĩa hướng tới của Đại hội.
Các tiết mục được biên soạn trên cơ sở hòa tấu các nhạc cụ dân tộc đặc sắc, mang giai điệu, tiết tấu dựa trên âm hưởng đặc trưng của các loại nhạc cụ dân tộc tiêu biểu như sáo Mông, khèn Thái, đàn Tính, cồng chiêng Tây Nguyên, chiêng Mường… Màn hòa tấu sống động như một bản giao hưởng, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước, sự gắn bó đoàn kết cùng phát triển của 54 dân tộc anh em mọi khó khăn, thách thức, cùng đoàn kết chiến thắng dịch COVID-19…
Trước đó, các nghệ sỹ đã trình diễn hương trình nghệ thuật chào mừng Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Đây là sự kiên quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, diễn ra từ ngày 12 -15/11, theo hình thức trực tuyến...
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "ASEAN ngôi nhà hạnh phúc" được xây dựng trên nền tảng tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó, hội nhập, mở rộng vòng tay cùng chào đón một tương lai tươi sáng... của các quốc gia ASEAN. Thông qua đó, thể hiện rõ nét một Cộng đồng ASEAN cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bỏ qua mọi rào cản về khoảng cách địa lý, đặc trưng văn hóa của từng quốc gia, tìm tiếng nói chung, tiếng nói của hòa bình, ổn định trên mọi lĩnh vực...
Các nghệ sĩ nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật “Sao Độc lập” nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn chương trình biểu diễn phục vụ của Nhà hát trong những năm qua. Tập thể các nghệ sỹ của Nhà hát đã trực tiếp sáng tác, dàn dựng, biểu diễn rất nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu như chương trình nghệ thuật phục vụ hội nghị quốc tế cấp cao; các chương trình nghệ thuật chiêu đãi các nguyên thủ hàng đầu thế giới khi họ sang thăm, làm việc tại Việt Nam...
Những chương trình nghệ thuật do Nhà hát thực hiện luôn mang tính chính luận, có giá trị nghệ thuật cao, đặc sắc, hấp dẫn, quy mô hoành tráng, để lại ấn tượng sâu sắc, được bè bạn quốc tế khen ngợi và đánh giá cao. Nhà hát còn thường xuyên được lựa chọn đi biểu diễn giao lưu, giới thiệu nghệ thuật Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới; tháp tùng các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; tham dự các sự kiện “Những ngày Văn hóa Việt Nam”, “Chương trình kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao”; góp phần quảng bá, khẳng định vị thế của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nhớ mãi lời Bác dạy…
Vào ngày 4/6/1957, Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Người đã chính thức đổi tên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương thành Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Người đã dặn dò các nghệ sỹ: Âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo, Bác đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu dân ca của ta. Ta có nhiều câu dân ca hay lắm, phải khai thác và phát triển nó lên…
Các thế hệ nghệ sỹ của Nhà hát đã luôn khắc ghi lời Bác dạy, làm rạng danh tên tuổi của Nhà hát với các chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc nhưng vẫn thấm đẫm hơi thở thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Nhà hát luôn chủ động, chú trọng sưu tầm các loại hình nghệ thuật như ca, múa, nhạc dân gian, dân tộc để phục vụ biểu diễn. Bên cạnh đó là đào tạo diễn viên; biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình đào tạo và phục vụ cho hoạt động sáng tác; dàn dựng các chương trình nghệ thuật... Trong đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật do Nhà hát xây dựng được sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong hệ thống đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước.
Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam là một trong những gương mặt tài năng trưởng thành từ Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Bà tham gia đoàn từ khi là một cô bé 13 tuổi. Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, bà luôn đặc biệt quan tâm khai thác những chất liệu dân gian trong kho tàng múa của dân tộc. Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh coi đó là vốn nghệ thuật vô cùng quý giá của ông cha để lại, là nền tảng để phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam.
Nữ nghệ sỹ trong nhiều năm đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến các vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu, khai thác vốn văn hóa dân gian, dân tộc. Hàng chục tác phẩm múa đã được bà dàn dựng, biên đạo múa là ba tác phẩm: “Mùa Xuân trên bản Mông”, “Hoa đất nước”, “Hầu văn Xá Thượng” và được chính các nghệ sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trình diễn…
Suốt gần 70 năm qua, các nghệ sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam luôn sẵn sàng cất lên lời ca tiếng hát, động viên tinh thần người ra trận trong kháng chiến. Họ có mặt hầu hết ở khắp chiến trường từ Bắc vào Nam, giữa bưng biền, đại ngàn Trường Sơn hay ngay bên trận địa pháo... Các thế hệ văn nghệ sỹ hàng đầu của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam bằng tài năng, sự sáng tạo với những cái tên đã đi vào lịch sử văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tập luyện trước mỗi buổi công diễn. Ảnh: TTXVN phát
Đó là các Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Học Phi, Đỗ Nhuận, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Văn Thương, Đào Mộng Long, Thương Huyền… cùng những giọng ca không thể nào quên như các Nghệ sỹ Nhân dân: Nguyễn Văn Thương, Quốc Hương, Thanh Huyền, Thương Huyền, Trần Hiếu, Thu Hiền, Trần Quý, Thái Ly, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Trọng Bằng, Mai Khanh, Trung Đức, Xuân Hoạch... Họ đã trở thành niềm tự hào không chỉ của Nhà hát, mà còn là những nghệ sỹ của nhân dân.
Ngày nay, Nhà hát nhanh chóng đổi mới, áp dụng công nghệ trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật; thu hút nhiều diễn viên để “nuôi dưỡng”, phát triển tài năng, dẫn đầu các đơn vị nghệ thuật và giành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn. Nhà hát cũng chủ động biểu diễn nghệ thuật, quyên góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ học bổng tiếp bước em đến trường…
Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam liên tục được tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2009, 2010, 2012); Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang ( năm 2012); Huân chương Độc lập hạng nhất ( năm 2011), Huân chương Lao động hạng Nhất ( năm 2016), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011, 2018); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 2017)…
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thật vinh dự và tự hào tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…