Cúm là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết. Bệnh cúm dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus, qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng…
Ảnh minh họa nguồn internet
Nếu bị cúm nhẹ, không sốt hoặc sốt dưới 38 độ C, người bệnh có thể chữa trị ở nhà bằng cách uống nhiều nước, súc miệng nước muối, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, kết hợp ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, không cần dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, không có tác dụng phòng và trị virus cúm (trừ trường hợp có bội nhiễm).
Nếu bệnh nhân cúm sốt cao trên 38,5 độ C, thì cần dùng thuốc hạ sốt (paracetamol) theo đúng liều lượng quy định. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn cảm cúm, bệnh nhân ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao thì cần đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời, vì rất có thể người bệnh đã bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Tình trạng này hay gặp nhiều ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người làm việc với cường độ cao. Khi đó người bệnh sẽ có chỉ định dùng kháng sinh (nhóm cephalosporin, beta lactam…) tùy theo tình trạng bệnh của từng trường hợp. Với bệnh nhân cúm sốt cao kèm tiêu chảy (đi hơn 5-7 lần/ngày) thì cần bổ sung dung dịch oserol qua đường uống hoặc được chỉ định truyền dịch khi cần thiết.
BS. Hữu Hạnh