Chanh Thiên Nhẫn: Hương sắc Nam Đàn, đặc sản quê Bác

31/03/2020 15:58

Người Nam Kim, kể cả các cụ cao niên cũng không còn nhớ Chanh được du nhập từ đâu, và trồng bắt đầu từ thời điểm nào (Có thông tin giống chanh này do thực dân Pháp du nhập vào nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm chứng)

Chỉ nhớ rằng, từ những năm 1945 đã có những vườn chanh trĩu quả ở khu vực Nam Kim Đồng; sau đó, theo chủ trương kinh tế mới năm 1975, người dân Nam Kim từ vùng đồng trũng thấp ồ ạt lên vùng đồi núi Thiên Nhẫn khai khẩn đất hoang làm kinh tế, các Cụ đã lựa chọn trồng thử rất nhiều loại cây nhưng cuối cùng chỉ có cây chanh ở lại với người nông dân.

Vườn chanh trồng ở chân núi Thiên Nhẫn tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn.

Núi Thiên Nhẫn là minh chứng lịch sử hùng hồn, cảnh đẹp thanh nhàn nơi đây được Cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn để ẩn cư và dạy học; Cũng nhờ địa thế hiểm trở mà vua Lê Lợi chọn vùng đất này dựng Thành Lục Niên làm bàn đạp để đánh tan quân Minh xâm lược. Và cũng từ vùng đất đá sỏi cằn cỗi này, mùa thì nắng như thiêu đốt, gió Lào bỏng rát; mùa thì rét cắt thịt cắt da, bão gió dồn dập, chứng kiến  mồ hôi nước mắt của người dân được đổi lại bằng những quả chanh thơm mọng, hình thành một loại cây đặc sản: Chanh Thiên Nhẫn.

Chanh ở đây thuộc dòng chanh giấy, vỏ khá mỏng, có hạt, màu xanh, quả tròn nhìn rất đẹp mắt; Chanh mọng nước, có mùi thơm khó có loại chanh nào sánh bằng, ai thưởng thức hương vị một lần thôi cũng sẽ không thể quên được. Đặc biệt nhất là trời phú cho Chanh Thiên Nhẫn ra trái vụ tự nhiên mà không cần đến tác động từ con người và chất kích thích, người dân mong chờ “cơn mưa vàng” để giúp chanh ra hoa trái vụ trở thành một truyền thống ở đây. Người dân còn gọi chanh trái vụ với cái tên trân trọng là Chanh Hoàng Niên.

“Cây chanh đầu tiên được trồng tại xã Nam Thắng (nay là xã Nam Kim), cây chanh thời đó như cây cổ thụ, thậm chí còn phải dùng thang để hái chanh; quả rất nhiều và to, có khi gần bằng quả cam chanh bây dừ . Chanh là cây không thể thay thế ở vùng đất ni, không chi bằng chanh cả, nó như là máu thịt của bà con ở đây; Cụ Sơn, năm nay đã 92 tuổi kể lại.

Theo thời gian, cây chanh được bà con các vùng lân cận như Khánh Sơn, Nam Lộc, Nam Tân, Nam Thái, Nam Xuân, Kim Liên (Nam Đàn) mua về trồng và nhanh phát triển thành cây chủ lực của địa phương, hình thành nên tên gọi Chanh Thiên Nhẫn như hiện nay.

Trong 20 năm trở lại đây, bà con nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) cũng mua giống Chanh Nam Đàn về trồng. Sức lan tỏa khủng khiếp của Chanh Thiên Nhẫn mấy thập kỷ qua chứng minh được hiệu quả vô cùng to lớn của cây Chanh đối với các thế hệ con người nơi đây. Các địa phương trên cùng với Nam Đàn đã và đang hình thành một nguyên liệu chanh lớn nhất nhì cả nước với 6.000 ha chanh.

Dự án “Xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và phát triển thương hiệu Chanh Thiên Nhẫn gắn với du lịch cộng đồng” do HTX Chanh Nam Đàn chủ trì được hình thành từ tháng 9/2018 nhằm mục đích khôi phục lại nghề trồng chanh, phục tráng lại giống chanh truyền thống, xây dựng, phát triển thương hiệu Chanh Thiên Nhẫn, chế biến ra các sản phẩm đặc sản có giá trị cao từ chanh định hướng xuất khẩu; Ổn định đầu ra, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân trồng chanh.

Bước đầu khẳng định tiềm năng và vị thế của mình, HTX Chanh đã được các đối tác tin tưởng và ký hợp đồng hợp tác trong việc phát triển thương hiệu, bao tiêu sản phẩm Chanh Thiên Nhẫn, đặc biệt là hợp đồng ký kết với đối tác Nhật Bản (Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương) và hợp đồng chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm với Tiến sỹ Lê Văn Tri (Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Biogroup).

Ký kết hợp đồng phát triển Chanh Nam Đàn với TS. Yoshiro Komiyama.

Ký kết hợp đồng với Tiến sỹ Lê Văn Tri.

Dự án đã đạt được một số thành công nhất định, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra những quả chanh sạch, chất lượng; xưởng sản xuất Chanh giai đoạn 1 hoàn thiện trên diện tích 500m2 với hệ thống máy móc hiện đại với công suất chế biến hơn 1000 tấn chanh/năm. Ứng dụng công nghệ hiện đại với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương và sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu để  sản xuất, chế biến một hệ sinh thái sản phẩm như: Chanh tươi sạch, tinh dầu chanh, tinh dầu lá chanh, tinh dầu sả chanh, nước cốt chanh nguyên chất, nước cốt chanh mật ong, rượu vang chanh, nước ngâm giải độc, dầu gội đầu, nước lau sàn, nước rửa chén bát, Chanh mật ong, chanh gừng mật ong, siro sả chanh, bột chanh…để phục vụ người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu. Trong tương lai không xa, Chanh Thiên Nhẫn sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng, xứng đáng là một món quà đặc sản từ quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Hình ảnh các sản phẩm Chanh trưng bày tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM tỉnh Nghệ An.

PV

Nguồn giadinhvaphapluat.vn

Bạn đang đọc bài viết "Chanh Thiên Nhẫn: Hương sắc Nam Đàn, đặc sản quê Bác" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU - SẮC ĐẸP.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/