Tiền Giang: Đình Điều Hòa: Chốn xưa lưu dấu cùng Mỹ Tho Đại phố

05/01/2020 22:25

Năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư một vùng đất mới. Trong nhóm có Dương Ngạn Địch đứng ra lập Mỹ Tho Đại phố (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) ở làng Tân Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường.

Năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư một vùng đất mới. Trong nhóm có Dương Ngạn Địch đứng ra lập Mỹ Tho Đại phố (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) ở làng Tân Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường.

Lệ cúng Kỳ yên tại đình Điều Hòa.

 

Khu đại phố này kéo dài đến khu vực cầu Vĩ, Gò Cát. Sau mấy đợt di dân, người Việt đã lập rất nhiều làng xã xung quanh khu vực Mỹ Tho: Thái Trấn lập làng An Hòa (sau đổi thành Thạnh Trị), Nguyễn Văn Trước lập làng Điều Hòa. Làng Điều Hòa diện tích nhỏ hẹp, thiếu đất canh tác nên dân làng phải hành nghề đánh cá, đưa đò, đi trạm…, nên có tên là Giang Trạm Điều Hòa thôn.

1. Đình Điều Hòa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô xây dựng lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các mảng chạm khắc trang trí bên trong. Di tích hiện tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Do nằm trong địa vực trung tâm thành phố, giữa khu dân cư nên việc đi đến di tích bằng các phương tiện giao thông đường bộ rất thuận tiện.

Trước kia, đình Điều Hòa được dùng làm trạm dừng chân của các quan lại dưới triều Nguyễn đi công tác ở địa phương muốn nghỉ lại qua đêm hoặc chờ đò qua sông; đồng thời, đình còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn cảnh của nhân dân trong vùng. Đến giữa thế kỷ thứ XIX, đình Điều Hòa được sử dụng với một chức năng duy nhất: Thờ cúng Thành Hoàng và những vị Tiền hiền.


Đình Điều Hòa được xây dựng khoảng năm 1792 tại xóm Cá (nay là đường Thái Văn Đẩu, phường 2, TP. Mỹ Tho). Ngôi đình khởi đầu cách đình hiện tại 300 m về hướng Nam. Hồi đó, ngôi đình thờ 4 vị thần: Thần núi, Thần biển, Thần giữ thành và Phúc Thần (tức Thành Hoàng), chủ yếu là dân trong làng Điều Hòa đến cúng bái, sinh hoạt. Do nằm cạnh sông Tiền, thường xuyên bị triều cường gây sạt lở, nên dân làng quyết định di dời đình lên chỗ cao ráo, lấy tên là đình Điều Hòa, trong đó chữ Điều nằm trong 4 chữ “Phong điều vũ thuận” và chữ Hòa lấy từ chữ Hòa của 3 ấp Hòa Thới, Hòa Mỹ và Hòa Hảo, thuộc làng Điều Hòa ngày trước.

Năm 1826, đình được tu bổ thêm các mảng chạm khắc và các hoành phi, câu đối thờ tự… Đình được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, đá và chất kết dính là hồ ô dước. Về sau, trong quá trình trùng tu, tôn tạo, nhân dân đã sử dụng các vật liệu xây dựng hiện đại như xi-măng, gạch men. Các hệ thống xây dựng bằng gỗ được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng, chốt chắc chắn và tinh vi.

Đầu  năm 1913, đình được di dời về chỗ mới và giữ nguyên cho đến ngày nay. Năm 1967, đình xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Dơn, một thầu khoán ở địa phương, là người trong Ban Phụng sự đình, đã đứng ra thiết kế tu bổ lại phần vỏ quy, nhà tổ và nhà khói của đình; đồng thời, xây cổng Tam quan bằng bê tông, hướng về đường Trịnh Hoài Đức. Trải qua hơn 200 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, đình Điều Hòa vẫn còn giữ đuợc dáng vẻ ban đầu và trông rất khang trang như ngày nay.

Trải qua những thăng trầm và nhiều biến cố của lịch sử, đình Điều Hòa đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của đất Mỹ Tho xưa và là nơi đặt trụ sở hành chính xã Điều Hòa trong những năm chống thực dân Pháp. Ngày nay, phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa đình làng, người dân địa phương vẫn duy trì những lễ hội truyền thống của đình, trong đó lễ hội Kỳ Yên là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông đảo người dân tham dự.

2. Hiện nay, đình thờ 3 vị thần Thành Hoàng và 1 vị Phúc Thần. Bên cạnh  thờ các vị thần linh do nhân  dân tín  ngưỡng, đình còn thờ những người có công lập ra làng Điều Hòa như Tiền hiền cẩm địa Nguyễn Văn Kiên, Tiền hiền khai khẩn Nguyễn Văn Trước và Trương Văn Ân, ngoài nhiệm vụ giang trạm, còn được cử làm cai đình, tổ chức các lễ Kỳ yên của đình.

Nơi đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Tiền Giang. Hiện trong đình còn lưu giữ, bảo quản các sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ XVIII - XIX.

Đặc biệt là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay. Vào trong chánh điện, gian giữa với các mảng chạm khắc bên trên là “Long Phụng tranh châu”, phía dưới là Bát tiên cỡi thú; phía trên bao lam là những khuôn chạm Tứ quý, Tứ linh, Mai Điểu, Tùng Lộc và trên cùng là tấm hoành được sơn son thếp vàng và chạm Tứ linh.

Trên 2 cột gian giữa là đôi liễn chạm trổ hai lớp khá công phu, lớp dưới chạm rồng sơn son thếp vàng, lớp trên là câu đối. Bên cạnh việc trang trí ở các bao lam, khánh thờ, bàn thờ, chánh điện, đình Điều Hòa còn trang trí giữa 2 mái giao nhau bằng các bức tranh sơn thủy, Tứ quý và những con vật, hoa trái gần gũi đời thường. 

Trên mặt dựng của cổng có 3 chữ Hán “Đình Điều Hòa”, phía sau trang trí một bức tranh “Thất Hiền Quá Hải”, bên dưới thân trụ cổng có đôi câu đối của ông Cao Xuân Dục viết tặng đình khi về thăm đình vào năm Duy Tân thứ I với nội dung:

“Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị
Nhất thôn phong hóa hảo Điều Hòa”.

Qua cổng Tam quan là sân kiểng, bên trái có bàn thờ Thần Nông, bởi vì nơi đây là ruộng tịch điền và bàn thờ Thần Nông của thôn Điều Hòa có trước khi đình được dời về đây. Nhìn chung, họa tiết và hoa văn trang trí ở đình Điều Hòa hầu hết được lấy ra từ những hình tượng và điển tích trong Nho giáo, Phật giáo, Tứ linh, Tứ quý và các vật tượng trưng với hàm ý cầu mong cho dân trong làng xóm được bình an, trong gia đạo được hạnh phúc, con cháu giàu sang phú quý, thiên nhiên mưa thuận gió hòa.

 Hằng năm, cứ đến lệ kỳ, đình Điều Hòa có 2 lệ cúng vào các ngày 16, 17 và 18 của tháng 2 và tháng 10 âm lịch. Mỗi lệ cúng có hàng ngàn người dân đến cầu an, dâng lễ vật và xem hát bội. Hiện đình Điều Hòa vẫn còn giữ nguyên những hoạt động văn hóa này. Ngoài 2 lệ cúng trên, đêm giao thừa, người dân chen chân đến đình Điều Hòa cầu an, xin lộc và nơi đây cũng là điểm đến của những nhà nghiên cứu, khách du lịch. Vào năm 2009, đình Điều Hòa đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Nguồn vanhien.vn

Bạn đang đọc bài viết "Tiền Giang: Đình Điều Hòa: Chốn xưa lưu dấu cùng Mỹ Tho Đại phố" tại chuyên mục TIN TỨC.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/