Kỹ nghệ trang trí giấy trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ Lào Cai: Nghề làm giấy bản của người Dao đỏ (Bài 1)

09/02/2020 22:54

Nghệ thuật trang trí trên giấy bản trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ ra đời gắn liền với các nghi lễ của chu kỳ vòng đời người và đã đạt đến trình độ tinh xảo, thống nhất về bố cục. Cách phối màu, họa tiết, hoa văn trang trí trên giấy là sự mô tả các giá trị hiện thực cuộc sống, đồng thời phản ánh thế giới quan sinh động...

Nghệ thuật trang trí trên giấy bản trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ ra đời gắn liền với các nghi lễ của chu kỳ vòng đời người và đã đạt đến trình độ tinh xảo, thống nhất về bố cục. Cách phối màu, họa tiết, hoa văn trang trí trên giấy là sự mô tả các giá trị hiện thực cuộc sống, đồng thời phản ánh thế giới quan sinh động...

tranh-giay1

In dập hoa văn làm tiền giấy để sử dụng trong lễ cấp sắc.

Việc trang trí trên giấy bản là công việc quan trọng, không thể thiếu, nếu không có trang trí thì lễ cấp sắc sẽ không linh nghiệm, thầy truyền thụ phép cho học trò không được linh ứng.

Nghề làm giấy bản của người Dao đỏ có từ lâu đời, gắn với đời sống của đồng bào dân tộc Dao. Người Dao có văn hóa, tiếng nói riêng, đặc biệt họ có chữ viết, đây là một trong những yếu tố để nghề sản xuất giấy bản ở vùng người Dao phát triển. Giấy bản được làm ra để sử dụng vào việc sao chép sách cổ, sách hát, sách cúng, sách dạy học; dùng để làm tiền vàng (đốt cho người âm, thần linh, ma quỷ), để viết sớ trong các lễ cúng, đặc biệt là lễ cấp sắc, lễ tang, đám cưới. Độc đáo hơn và mang tính nghệ thuật hơn là người Dao đỏ từ xa xưa đã biết sử dụng giấy màu trang trí trong không gian ngôi nhà cấp sắc và đàn lễ ngoài trời. Đó là giá trị thẩm mỹ, người Dao đỏ đã sáng tạo và giữ gìn từ đời này sang đời khác.

Trong năm, người Dao đỏ tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng khác nhau, nên nhu cầu sử dụng giấy (giấy bản làm giấy tiền vàng, giấy viết sớ, giấy trang trí) là rất cần thiết. Giấy bản được người Dao đỏ làm từ cây vầu, nứa, mai, trúc non, cọng rơm và vỏ cây dướng.

Quy trình tạo ra giấy bản của người Dao đạt đến trình độ nhất định. Người Dao đỏ biết sử dụng cây nứa, mai, vầu, cọng rơm… để tạo ra giấy viết, giấy tiền. Ông Phàn Quẩy Chẳn, dân tộc Dao, ở thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa cho biết: Trước kia, hầu như nhà nào trong thôn cũng làm giấy bản, nhưng hiện nay chỉ những gia đình có điều kiện (những gia đình có truyền thống làm giấy bản, ông bà, bố mẹ đều biết làm) mới làm giấy. Họ không làm thường xuyên, chỉ khi nhà có đám chay hoặc đám cấp sắc thì mới làm nhiều giấy bản để đáp ứng đủ cho cuộc hành lễ kéo dài từ 1 đến 7 ngày. Quy trình tạo ra giấy bản phải trải qua nhiều công đoạn: Chọn cây nguyên liệu; sơ chế và chế biến nguyên liệu; làm giấy; phơi nắng cho khô giấy; cắt nhỏ các tấm giấy bản...

Để làm được giấy bản, việc chọn nguyên liệu đòi hỏi rất công phu. Nguồn nguyên liệu để làm giấy ở vùng người Dao đỏ tỉnh Lào Cai là loại nguyên liệu có sẵn và dễ tìm, đó là cây nứa, vầu non, cọng rơm hoặc vỏ cây dướng. Cây măng nứa, vầu và cây mai thường phát triển theo mùa, khi tiếng sấm đầu tiên của năm mới báo hiệu cũng là lúc những cây măng vầu nhú lên khỏi mặt đất. Mùa măng nứa thì muộn hơn, vào khoảng tháng 5 - 6 hằng năm. Theo kinh nghiệm khai thác và lựa chọn nguyên liệu sản xuất giấy bản, cây nứa cao khoảng 3 - 4 m, được khoảng 40 - 50 ngày tuổi thì sẽ khai thác. Người Dao sẽ chặt những cây nứa non, mai hoặc vầu non về chẻ nhỏ, sơ chế làm nguyên liệu, bột giấy tráng và phơi tạo thành sản phẩm giấy bản. Do sản xuất giấy thủ công nên người Dao phải chọn những cây nứa, vầu non thì mới dễ làm và chất liệu giấy mới đảm bảo chất lượng. Phải lựa chọn những cây nứa, vầu non không bị sâu đục thân. Trong các cây nguyên liệu kể trên thì măng mai là cây nguyên liệu lấy được nhiều bột nhất, bởi cây măng mai có thân to và nặng. Chỉ cần chặt vài cây măng non là có mẻ bột giấy đủ dùng trong một năm. Nếu như cây măng mai cho nhiều bột giấy thì cây măng vầu lại được người Dao đỏ ưa dùng hơn, bởi giấy làm từ cây măng vầu có chất lượng hơn, đảm bảo được độ bền, đẹp.

tranh-giay2

Chạm hình hoa văn trên giấy màu trang trí cho nhà cấp sắc.

Rơm là loại nguyên liệu cũng được người Dao đỏ ưa dùng. Nguồn nguyên liệu từ rơm rất sẵn, cứ đến mùa thu hoạch lúa nương hoặc lúa ruộng, người ta lại sử dụng rơm để làm giấy. Hầu hết các nhóm ngành Dao thường tận dụng và sử dụng một loại nguyên liệu là cọng rơm (rơm lúa tẻ) để làm nguyên liệu giấy. Trước đây, hầu hết các làng người Dao trồng lúa nương, khi thu hoạch, người ta cắt lúa bó thành từng cum, rồi đem về đập lấy lúa, sau đó tận dụng cọng rơm làm nguyên liệu giấy. Rơm của cây lúa nương làm giấy là tốt nhất, vì rơm có độ dai. Tuy nhiên, do giấy được làm bằng rơm nên không bền và màu sắc cũng không đẹp bằng giấy làm từ vầu, nứa. Hiện nay, các làng người Dao đỏ hầu như không còn trồng lúa nương, mà họ canh tác lúa nước. Những cọng rơm lúa nước vẫn được dùng làm giấy, nhưng số gia đình làm không nhiều. Sản phẩm của loại giấy rơm thường được làm giấy tiền vàng, giấy đốt mã, giấy viết sớ.

Dụng cụ không thể thiếu để làm giấy của người Dao đó là khuôn. Khuôn có hình chữ nhật được làm bằng cật mai, có thể làm bằng gỗ. Khi tạo khuôn giấy, người làm phải tạo cho mặt trên (mặt tráng giấy) thẳng và đều nhau, có như vậy, khi xoa trên vải màn, bột giấy mới tráng mỏng và đều nhau, chất liệu giấy mới tốt. Chiếc khuôn làm giấy khi đưa vào tráng giấy được đặt trên 4 cọc cao chừng 50 - 60 cm để phơi nắng cho giấy nhanh khô.

Sau khi chuẩn bị đủ nguyên liệu và dụng cụ, người Dao tiến hành làm giấy bản. Trước hết, họ chẻ các thanh vầu, nứa non, dùng dây buộc thành từng bó nhỏ rồi cho vào chảo đun để luộc nhừ. Do vầu, nứa non đều có chất xơ cứng nên muốn luộc nguyên liệu nhanh nhừ, người Dao đã biết sử dụng thêm các chất xúc tác và chất kết dính để làm cho bột giấy đạt tiêu chuẩn.

Vôi và bột nếp là những chất xúc tác được sử dụng khi sơ chế vầu, nứa non. Sau khi cho từng bó thanh nứa, vầu non vào chảo, người ta đổ nước lã cho bằng mặt, rồi lấy vôi bột rải đều, các bó nứa, vầu sẽ nhanh chín và mềm hơn. Thời gian làm chín và nhừ nguyên liệu tốn khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ. Trong quá trình luộc nguyên liệu, người ta phải chế thêm nước lã để không bị cạn nước, lửa phải cháy đều thì nguyên liệu mới chín nhừ.

Lúc này, người ta vớt từng bó nứa, vầu để vào chiếc mẹt, rửa sạch cho vào cối giã thành bột. Giã thành bột xong, người Dao đỏ vớt bột giấy cho vào chậu hòa với nước lã một tỷ lệ nhất định, lượng nước và bột giấy ngang nhau, nếu cho nhiều nước quá bột giấy sẽ loãng, còn nếu cho ít nước bột giấy sẽ đặc.

Để chuẩn bị làm giấy, người Dao đỏ căng vải đều trên bốn góc của khuôn gỗ. Sau đó, dùng gáo múc bột giấy dàn đều trên mặt vải màn. Để dàn đều bột, người Dao dùng luôn đáy của gáo bầu (gáo múc bột giấy được làm từ vỏ quả bầu). Việc lấy bột giấy để dàn trên mặt khuôn chỉ do một người làm. Chỉ khi trời nắng hoặc hanh khô, người ta mới sơ chế, chế biến bột giấy và làm giấy. Giấy phơi nắng trong khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ rất trắng. Giấy bản được bảo quản bằng cách bó thành từng bó, đem cất trên gác bếp hoặc ở chỗ cao để tránh bị ẩm mốc, khi cần lấy xuống để sử dụng.

Nguồn vanhien.vn