Làm rõ một số điểm trong Nghị định số 98/2018/NĐ - CP

Đăng bởi TS. Hoàng Xuân Trường

31/12/2020 16:14

Khép lại năm 2020 với một số công việc thành công, nhưng bên cạnh đó còn một số việc chưa thực sự như mong đợi. Băn khoăn lớn nhất trong tôi là tìm lời giải cho các địa phương triển khai thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi.

Sáng ngày 30/12/2020, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT và PTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về một số điểm cần làm rõ hơn trong Nghị định này.

Trên cơ sở đó, bài viết này mong muốn làm rõ một số nội dung trong điều 8 của Nghị định mà hiện nay nhiều địa phương từ cán bộ quản lý tới các HTX và DN chưa nắm rõ. Nghị đinh 98/2018/NĐ-CP có 5 chương và 19 điều, lần lượt các bài viết tôi sẽ đề cập tới từng điều một.

Nội dung điều 8 trong Nghị định:

1. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

2. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các kế hoạch, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT và PTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Nội dung 1: Chúng tôi thấy nhiều người chưa hiểu vì sao lại có con số: nhà nước hỗ trợ 30% vốn mà không phải là 50% hay 70%?

Qua trao đổi với Cục trưởng chúng tôi được biết, nếu như tỷ lệ này vượt trên 30% thì sẽ vướng theo luật đầu tư công và luật đấu thầu số 43/2013/QH13.

Nếu các hạng mục công trình mà trên 30% tiền vốn của nhà nước đầu tư thì các công trình đó sẽ thực hiện theo hình thức: cơ quan cấp vốn sẽ đứng ra xây dựng rồi bàn giao lại cho các chủ thể (HTX, DN). Như vậy tinh thần tự chủ của các HTX và DN trong xây dựng các hạng mục công trình để phục vụ sản xuất, sơ chế chế biến và tiêu thụ nông sản của mình sẽ không được chủ động. Trên thực tế nhiều công trình đã không được sử dụng và khai thác một cách có hiệu quả khi đầu tư theo cách này.

Nội dung 2. Nhiều tỉnh hỏi vậy tỷ lệ 30% trên từng hạng mục hỗ trợ hay trên tổng thể dự án xin hỗ trợ.

Theo Cục trưởng thì tỷ lệ 30% này sẽ là tỷ lệ trích trên tổng thể số vốn dùng để đầu tư dự án, và việc xin đối ứng theo hình thức nào là do mỗi địa phương tự quy định.

Các HTX, DN có thể xin trọn gói trên 01 hạng mục mà hạng mục đó số tiền không vượt quá 30% tổng số tiền đầu tư dự án và không vượt quá 10 tỷ đồng.

Ví dụ: Nếu một HTX xin hỗ trợ 3 hạng mục: Dây truyền sơ chế, chế biến: 2 tỷ; Nhà kho bảo quản lạnh: 2 tỷ; Xe chuyên dụng (xe lạnh): 1 tỷ

Tổng đầu tư các hạng mục là 5 tỷ: HTX có thể xin trọn gói hỗ trợ mau xe chuyên dụng, với 1 tỷ từ ngân sách hỗ trợ: và 1/5=20% đảm bảo theo quy định

Và HTX cũng có thể xin hỗ trợ: 1 xe chuyên dụng 1 tỷ và 500 triệu cho hạng mục thứ nhất hoặc thứ 2, vì tổng xin là 1,5 tỷ/5 tỷ = 30% vẫn đảm bảo qui định

Theo Cục trưởng Nghị định 98 không có thông tư hướng dẫn và đã rất rõ ràng trong từng điều. Ở mỗi tỉnh nên có các quy định cụ thể riêng về các hạng mục đầu tư của mình, dựa trên tình hình thực tế của địa phương, từ đó ra các QĐ có lợi cho người dân đồng thời khai thác được thế mạnh của địa phương trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Một ví dụ điển hình như tỉnh Quảng Ninh, đã có Nghị Quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/07/2019. Nghị quyết đã Quy định rất cụ thể và chi tiết phù hợp với điều kiện của tỉnh

Trích điểm b, mục 1 trong điều 1 của Nghị Quyết 194

b) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

- Dự án liên kết sản xuất được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà lưới, nhà xưởng, bến bãi, máy móc, thiết bị (bao gồm cả tàu dịch vụ hậu cần đối với nuôi trồng thủy sản trên biển), lồng bè bằng vật liệu thân thiện môi trường (đối với nuôi trồng thủy sản trên biển), kho tàng phục vụ cho quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất giống nông lâm thủy sản); tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

- Ngân sách hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; tổng mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng/dự án.

- Phương thức thực hiện: Hỗ trợ sau đầu tư, khi hạng mục đầu tư của dự án hoàn thành, nghiệm thu thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ theo hạng mục đầu tư; sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sản xuất, kinh doanh thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.

Bài viết này với hy vọng sẽ giúp ích cho các địa phương, các HTX, DN trong cả nước hiểu hơn về Nghị định 98. Và mong đợi năm 2021 sẽ có nhiều tỉnh triển khai thực hiện tốt nghị định này.

---

Nguồn: Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, li... - Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBQPPL - Quảng Ninh (vbpl.vn)

TS. Hoàng Xuân Trường
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Làm rõ một số điểm trong Nghị định số 98/2018/NĐ - CP" tại chuyên mục KINH DOANH.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/