ĐẠỊ DỊCH COVID-19 VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TÉ VIỆT NAM TỪ GÓC NHÌN NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á.

Đăng bởi TS. Lê Thành Ý

04/04/2020 20:32

Trong hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với tổng kim ngạch thương mại cao gấp 2 lần GDP cả nước, dựa trên nền tảng của  nhu cầu nội địa tăng cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ, trong những năm từ 2008 đến 2019 nền kinh tế liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, vào năm 2020 tốc độ.tăng trưởng kinh tế đã giảm đi đáng kể.

Sự lây lan bùng phát của đại dịch toàn cầu, dẫn đến giảm tốc đột ngột của nhiều nền kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2020 giảm còn khoảng 4,8%; nếu các rủi ro COVID-19 gia tăng, kinh tế có thể còn suy giảm mạnh hơn nữa.

Từ tầm nhìn khu vực, ngày 03 tháng 4 năm 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á, trong đó đã nhấn mạnh đến triển vọng phát triển kinh tế Việt nam. Bài viết tóm tắt một số thông tin dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của đại dịch toàm cầu, do ngân hàng ADB đưa ra.

Đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2019

Ngân hàng Phát triển châu Á ghi nhận, năm 2019 thêm một năm thành công, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng trên7%, là một trong những mức tăng cao nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc, với tỷ lệ lạm phát xuống thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong những yếu tố dẫn đến tăng trưởng nổi bật, ADB nhấn mạnh đến tiêu dùng cá nhân gia tăng 7,4%, tầng lớp trung lưu tiếp tục phát triển, tổng đầu tư tăng cao, thu hút trên 38tỷ USD đầu tư nước ngoài, xuất khẩu đạt 263 tỷ USD và cho rằng, các yếu tố nền tảng của nền kinh tế bao gồm cả dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đã tạo cơ sở vững chắc giữ đồng tiền Việt Nam ổn định giá trị và kiềm chế được lạm phát.

Lạm phát thấp và ổn định vĩ mô cho phép Ngân hàng Nhà nước cắt giảm được lãi suất điều hành. Giảm lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn để hỗ trợ tăng trưởng, đã củng cố thêm niềm tin thị trường; duy trì được tăng trưởng tín dụng trong mức kiểm soát dưới 14% và đưa thặng dư vãng lai từ mức tương đương 2,4% lên khoảng 5,0% GDP trong năm 2019. Nhờ thặng dư thương mại cao nguồn kiều hối ổn định trong khoảng 9,3 tỉ USD, kim ngạch xuất  khẩu hàng hóa đã tăng 8% và thăng dư cán cân tài chính đạt 7,3% GDP. Với cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư, cán cân thanh toán tổng thể đạt mức thặng dư 8,9% GDP.

Cán cân thanh toán được cải thiện đã giúp Ngân hàng Trung ương tăng cường dự trữ ngoại hối, đưa  dự mức trữ từ 2,7 tháng nhập khẩu lên 3,6 tháng và giữ được tỉ giá đồng tiền Việt Nam tiếp tục ổn định so với đồng Đô-la Mỹ, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình tài khóa đã có nhiều cải thiện, mức bội chi ngân sách đã giảm từ tương đương 3,7% GDP năm 2018 xuống còn 3,5% GDP trong năm 2019; thu ngân sách tăng từ 5,0% lên 7,3%, đồng thời với chi tiêu công được cắt giảm từ 15,3% năm 2018 xuống còn 6,7% ; giảm được tỉ lệ nợ công và nợ được chính phủ bảo lãnh từ mức kỷ lục 63,7% GDP xuống còn khoảng 54,8% GDP trong năm 2019.

Nhìn nhận tổng quan xu thế phát triển, ADB từng nhận xét, mặc dù mức tăng tổng sản phẩm quốc nội có giảm một chút  so với năm 2018, song nền kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện được mức độ tăng trưởng vững vàng, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Trong báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO2019), Ngân hàng này đã từng dự báo, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao. Theo đó, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển toàn diện dựa trên nền tảng bền vững của công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa tăng cao. Cũng theo ADB, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại

Tăng trưởng kinh tế suy giảm trong đại dịch COVID-19.

Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 và leo thang trong tháng 3, đã tác động nghiêm trọng đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam. Ngay ở trong nước, lây nhiễm dịch bệnh gia tăng đã hình thành nhiều cú sốc tác động bất lợi đến cả phía cung lẫn cầu trong hầu hết các lĩnh vực  kinh xã hội.

Sức lây lan của đại dịch dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đột ngột và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tăng trưởng kinh tế cả nước trong Quý I/2020 xuống mức 3,8%, giảm sâu so với 6,8% của cùng kỳ năm trước. Trong đà suy giảm chung, tăng trưởng cả năm được dự báo nhiều khả năng xuống còn 4,8% . Phân tích các nhân tố hình thành tăng trưởng, các nhà nghiên cứu của ADB cho rằng:

Về phía cầu, việc hạn chế đi lại đã kìm hãm tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Trong  quý I , tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm xuống còn 4,7% , thấp hơn nhiều so với 12,0% của cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm mạnh. Vốn FDI đăng ký giảm 23,6% và vốn giải ngân giảm 5,0% vào 2 tháng đầu năm. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng xuất khẩu cả năm  được dự báo xuống 5,3% và nhập khẩu chỉ tăng 4,7%.

Về phía cung, Ngành công nghiệp duy trì được sản xuất chế biến và chế tạo, chủ yếu dựa vào nguyên liệu tồn kho. Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn kéo dài, nguồn tồn kho cũng đang cạn dần. Chế biến, chế tạo là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp, nhưng trong tháng 2, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống 6,2%, mức này cùng kỳ năm trước là 9,2% . Ngoài ra, chỉ số quản trị mua hàng được coi là là đơn vị đo lường cơ bản của ngành, đã giảm từ 50,6 điểm của tháng 1để rơi vào vùng suy giảm còn 49,0 trong tháng 2.

Do kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với giảm đơn hàng từ các nền kinh tế chịu ảnh hưởng; sản lượng công nghiệp đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6,5 năm gần đây. Từ những hạn chế đi lại, cản trở lao động có tay nghề từ nước ngoài trở lại Việt Nam, công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục bị gián đoạn. Trên thực tế, tăng trưởng khu vực công nghiệp quý 1 đã xuống mức 5,1% thấp hơn so với 8,6% của cùng kỳ năm trước. Khảo sát doanh nghiệp vào tháng 3 cho thấy, 74% số doanh nghiệp dự kiến phải tạm dừng hoạt động nếu đến tháng 6 chưa khống chế được dịch bệnh.

 Cùng với suy giảm công nghiệp, sự bùng phát của dịch COVID-19 cũng gây những tổn hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Nhu cầu xuất khẩu nông sản suy giảm mạnh do dịch bệnh kéo dài, nhiều hoạt động xuất khẩu bị đóng băng khi hầu hết các cửa khẩu đóng cửa. Ngoài ra, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm nghiêm trọng thêm tình trạng sản xuất, khiến tăng trưởng nông nghiệp quý I giảm xuống còn 0,08%, thấp hơn nhiều lần so với mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến phức tập của COVID-19, ADB dự báo, tăng trưởng nông nghiệp năm 2020 sẽ giảm xuống còn 1% .

Tính đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh bùng phát  đã gây ảnh hưởng nặng nề  đối với khu vực dịch vụ. Với tỉ trọng dịch vụ chiếm 42% GDP, tăng trưởng chậm lại của khu vực này đã ảnh hưởng rất đáng kể đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong ngành dịch vụ, du lịch và các dịch vụ liên quan chiếm đến 40% doanh thu. Vào tháng 2, lượng khách du lịch đã giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhiều ước tính, sự lây lan rộng khắp của đại dịch khiến Việt Nam  sẽ mất đi 23% lượng khách du lịch trong năm

Từ suy giảm tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế, nhiều cân đối vĩ mô không còn đảm bảo. Lạm phát bình quân trong quý 1 đã tăng lên 5,6%, là mức cao nhất so với cùng kỳ trong suốt giai đoạn 2016-2020 . Nếu đại dịch trở nên tồi tệ hơn và giá thịt lợn tiếp tục gia tăng thì áp lực lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nhiều.

Do hoạt động kinh doanh đình trệ, nhu cầu tín dụng đã suy yếu, cuối tháng 2 tăng trưởng đạt 0,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất trong 6 năm gần đây.Từ những tác động bất lợi đối với các ngành kinh tế, cán cân tài khoản vãng lai trong năm có thể rơi vào tình trạng thâm hụt tương đương với  0,2% GDP và cán cân tài chính cũng sẽ bị thâm hụt, hạ tuần tháng 3, chỉ số thị trường chứng khoán đã giảm tới 31,4% so với cuối năm 2019.Trong tình hình suy giảm chung của các lĩnh vực, thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ tăng lên tương đương với 4,2%GDP.

Phân tích xu hướng kinh tế toàn cầu và từ thực tế tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm xuống ở 4,8% là mức tăng trưởng cao nhất của các quốc gia trong khu vực. Nếu không khống chế  để các rủi ro do đại dịch gia tăng, nền kinh tế có thể còn suy giảm mạnh hơn nữa.

Nhân tố giúp hồi phục sau đại dịch để giữ vững vị thế tăng trưởng hàng đầu khu vực

Mặc cho khả năng bị ảnh hưởng nặng nề của đai dịch COVID-19, song các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì.  Theo ADB, nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ có khả năng hồi phục trở lại mức tăng trưởng 6,8% vào năm 2021 và sẽ duy trì mạnh mẽ đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, Eric Sidgwick  nhận xét “Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á,”

Phân tích các yếu tố thức đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đạị dịch COVID-19 được khống chế, Báo cáo Triển Vọng Phát Triển Châu Á (ADO 2020), một ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của ADB cho rằng:

Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp nhẹ và xuất khẩu hàng điện tử.

Với tổng kim ngạch thương mại cao gấp đôi GDP, kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi giá trị của sản xuất hàng điện tử và phần cứng cho công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) ở Đông Nam Á, vơi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này năm 2019 đạt 91,0 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Việt Nam có tầng lớp lớp trung lưu đang phát triển và khu vực tư nhân năng động, đáng chú ý là kinh tế hộ gia đình và các doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng vững mạnh.Tầng lớp trung lưu Việt Nam là một trong những nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất ở ĐNA với quy mô tăng gấp đôi kể từ năm 2014, lên tới 33 triệu người, chiếm 1/3 dân số cả nước.

Tương tự, môi trường kinh doanh, nhất là đầu tư công tiếp tục được cải thiện. Trong 2 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đã tăng 18% so với cùng kỳ của năm 2019. Công việc này đã trở thành một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch COVID-19.

Cùng với những lợi thế bên trong của nền kinh tế, số lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương Việt Nam tham gia có nhiều hứa hẹn để tăng cường hơn nữa việc tiếp cận thị trường cho Việt nam. Đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau COVID-19. Ngoài ra, khả năng thị trường Trung Quốc trở lại bình thường, giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam.

Trên thị trường toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 42 trong 129 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo. Việt Nam có thể sánh vai cùng với các nền kinh tế hàng đầu trong nhóm nước có thu nhập trung bình cao; lợi thế này cùng với nền giáo dục tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng, dân số trẻ, lao động dồi dào và tín dụng phong phú sẽ tạo điều kiện để có những phát triển đột phá hậu COVID-19.

Từ những phân tích cụ thể đưa ra, báo cáo Triển Vọng Phát Triển Châu Á 2020(ADO 2020) của Ngân hàng Phát triển châu Á đã khẳng định: Dựa trên nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh, nền  kinh tế Việt Nam đã duy trì nhịp độ tăng trưởng cao trong năm 2019. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm đáng kể trong năm 2020. Mặc dù lạm phát được khống chế, song theo dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 và 2021. Thặng dư cán cân vãng lai tuy tăng trong năm 2019 nhưng sẽ giảm mạnh trong năm nay.

Cho dù nền kinh tế chịu các tác động  bất lợi của đại dịch COVID-19, song Việt Nam đã hội tụ được những nhân tố thuận lợi để khôi phục nhịp độ tăng trưởng sau dại dịch, vẫn được dự báo là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Hy vọng  những nhận xét gợi ra từ tầm nhìn khu vực của ADB sẽ giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin để phát triển mạnh mẽ kinh tế sau đại dịch./.

Bác sĩ khuyến cáo cách tăng cường dinh dưỡng để góp phần phòng chống dịch Covid-19 Bác sĩ khuyến cáo cách tăng cường dinh dưỡng để góp phần phòng chống dịch Covid-19

Trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bác sĩ chuyên về dinh dưỡng cho rằng, cần tăng sức đề kháng cho cơ thể để phòng ngừa tác nhân gây bệnh, virus xâm nhập cơ thể.

Chuyên gia giáo dục "hiến kế" giúp bố mẹ "học mà chơi" cùng con những ngày tránh Covid-19 Chuyên gia giáo dục "hiến kế" giúp bố mẹ "học mà chơi" cùng con những ngày tránh Covid-19

Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, tùy theo từng lứa tuổi để phụ huynh có thể lên kế hoạch học cùng con, chơi cùng con và làm những việc mà con yêu thích trong đợt nghỉ để tránh Covid-19.

TS. Lê Thành Ý
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam