Theo đó, Đoàn thẩm tra Nông thôn mới TW đã đi khảo sát thực tế, kiểm tra việc xây dựng các tiêu chí NTM tại nhà Văn hóa thôn Dân Lập, trang trại trồng rau hữu cơ, nuôi giun quế của Công ty TNHH Khai thác tiềm năng Sinh thái Hòa Lạc xã Yên Bình, khu Công nghiệp Phùng Xá, trường Mầm non 19/5 và trường THPT Thạch Thất.
Đoàn thẩm tra Nông thôn mới Trung ương làm việc với Thành phố Hà Nội và UBND huyện Thạch Thất
Sau khi đi kiểm tra thực tế, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố, huyện Thạch Thất để nghe báo cáo kết quả xây dựng NTM của huyện. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tình hình kinh tế - xã hộicủa huyện Thạch Thất luôn phát triển và tăng trưởng ổn định, bình quân đạt 14,92%/năm, các chỉ tiêu pháp lệnh đều đạt và vượt kế hoạch TP Hà Nội giao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở được củng cố... Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Năm 2010, cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng chiếm 66,6%; Thương mại - dịch vụ - du lịch 18%; Nông - Lâm - Thủy sản 15,4%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,1 triệu đồng/người/năm. Thì đến năm 2020 cơ cấu lần lượt là 70,2%, 23,2% và 6,6%; Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Theo báo cáo, huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn. Số xã xây dựng nông thôn mới của huyện là 21 xã. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn huyện có 21/21 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, năm 2013 có 6 xã (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Phùng Xá, Hạ Bằng, Bình Yên), năm 2014 có 4 xã (Tân Xã, Cần Kiệm, Thạch Xá, Đồng Trúc), năm 2015 có 3 xã (Tiến Xuân, Yên Bình, Canh Nậu), năm 2016 có 2 xã (Yên Trung, Cẩm Yên), năm 2017 có 6 xã (Lại Thượng, Phú Kim, Kim Quan, Bình Phú, Hữu Bằng, Chàng Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với 21/21 xã và đánh giá huyện có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, song song công tác lãnh đạo chỉ đạo, đẩy mạnh việc tuyên truyền, huyện Thạch Thất vận động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng, duy trì đạt chuẩn nông thôn mới gắn với tiếp tục duy trì, thực hiện thường xuyên năm trật tự và văn minh đô thị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các vùng sản xuất tập trung.
Cư sở hạ tầng huyện Thạch Thất được quan tâm đầu tư nâng cấp
Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, xử lý rác thải, các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Trung ương và thành phố để tháo gỡ khó khăn, động viên khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các nhóm sản phẩm làng nghề truyền thống, có thế mạnh, có uy tín và thương hiệu; khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới máy móc thiết bị nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung tối đa nguồn lực, giai đoạn 2010-2019 đã bố trí 4.181.363 triệu đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và diện mạo các xã có nhiều thay đổi: 100% trục chính đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa apphal; 100% trạm y tế các xã, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 89,9% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 81% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%...
Ông Nguyễn Minh Tiến, trưởng Đoàn thẩm định Nông thôn mới TW phát biểu tại buổi làm việc với huyện Thạch Thất
Qua thẩm định thực tế và thẩm định hồ sơ, các thành viên trong Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà huyện Thạch Thất đã đạt được trong xây dựng huyện nông thôn mới. Đồng thời, Đoàn cũng chỉ ra những tiêu chí đã làm tốt, cần duy trì, nâng cao; các tiêu chí còn hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện; một số nội dung cần bổ sung, điều chỉnh trong hồ sơ cho phù hợp với thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Trung ương công nhận huyện nông thôn mới. Đoàn thẩm định đề nghị huyện cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí như: giao thông nội đồng, trường học cấp xã, giữ gìn văn hóa truyền thống, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện, quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã theo chuẩn của Bộ Văn hóa- Thể thao. Duy trì vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với quy hoạch xây dựng vùng an toàn nuôi, vùng giết mổ tập trung. Giải pháp cho vấn đề nước sạch, môi trường về lâu dài, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tăng cường phòng ngừa tội phạm, trật tự an toàn giao thông, cần có giải pháp quyết liệt trong công tác phòng cháy, chữa cháy đối với làng nghề, khu, cụm công nghiệp.
Tại buổi làm việc nêu trên, thay mặt Đoàn công tác thẩm định Nông thôn mới TW, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đạt được trong 10 năm xây dựng NTM và thống nhất đánh giá huyện Thạch Thất hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, đủ điều kiện để trình Chính phủ xem xét, công nhận huyện NTM năm 2020.
Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội và Trung ương đi kiểm tra một số sản phẩm của huyện Thạch Thất
Chia sẻ rõ hơn về nội dung này, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phong điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: “Nhờ khai thác các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống huyện Thạch Thất trong những năm vừa qua đã chủ trương phát triển thương mại dịch vụ du lịch. Huyện đã khuyến khích phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, chợ đầu mối nông sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ dân sinh hiện có và khuyến khích đầu tư phát triển các khu thương mại dịch vụ trong các khu đô thị mới. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tằng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, con người; Quy hoạch, phát triển đồng bộ các thiết chế văn hóa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có; Thực hiện quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đáp ứng yêu cầu…Đây là những cơ sở quan trong giúp huyện Thạch Thất đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định”./.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, giai đoạn 2015 - 2020, huyện triển khai thực hiện 502 dự án, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 477 dự án, công trình. Trong đó cải tạo, nâng cấp 272km đường giao thông; 29,7km kênh mương thủy lợi nội đồng; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 98 nhà văn hóa thôn; 8 trạm y tế; 8 chợ nông thôn; đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 328 phòng học, 139 phòng bộ môn, phòng chức năng; 37 khu hiệu bộ, 4.006m2 diện tích bãi tập kết rác thải với tổng mức đầu tư 3.266,2 tỷ đồng. Đối với công tác đảm bảo trật tự văn minh đô thị, chỉnh trang, chiếu sáng, cây xanh: Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện phương án đảm bảo trật tự văn minh đô thị; đầu tư chỉnh trang các trục đường chính, các khu vực trung tâm xã, thị trấn, khu vực trung tâm huyện...
BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TP. HÀ NỘI
Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.33602178; Email: nvchisxttmnnhanoi@gmail.com