Đề phòng cứng khớp khi trở trời

Đăng bởi BS. Nguyễn Văn Đức

10/12/2020 10:04

Cứng khớp là triệu chứng của nhiều bệnh lý xương khớp, đặc biệt cứng khớp tái phát thường xảy ra khi chuyển mùa. Bị cứng khớp là hiện tượng các khớp vận động khó khăn, người bệnh khó thực hiện các động tác như co duỗi khớp gối, gấp duỗi khớp bàn tay, ngón tay, cúi người, xoay cổ,... Xin chia sẻ bài viết trên https://suckhoedoisong.vn/ tới bạn đọc https://khoahocvacuocsong.vn/

Triệu chứng khớp cứng thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài 1-2 giờ. Các khớp thường bị cứng khớp là khớp tay, khớp chân, khớp ở đốt ngón tay, ngón chân, khớp cổ,...

Những yếu tố nguy cơ

Tuổi: Sau nhiều năm sử dụng, các khớp xương đã chịu một áp lực đáng kể và sẽ trở nên yếu đi. Bị cứng khớp là một phần tất yếu của sự lão hóa. Cùng với sự già hóa dân số, tỷ lệ người bị cứng khớp trong cộng đồng tăng lên đáng kể. Bệnh viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn gây viêm khớp mạn tính, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công lớp niêm mạc của khớp gây viêm, đau và cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp kéo dài theo thời gian có thể gây biến dạng khớp và xói mòn xương. Đây là một bệnh khá phổ biến, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30 - 60; Bệnh Lupus ban đỏ: Cũng giống như viêm khớp dạng thấp, lupus là bệnh tự miễn dịch tấn công các mô và cơ quan. Khi tấn công các khớp, bệnh lupus có thể dẫn đến cứng khớp, đau, sưng; Viêm bao hoạt dịch: Bệnh viêm bao hoạt dịch thường xảy ra ở một số khớp hoạt động thường xuyên như khớp vai, khớp gối, khớp hông, khớp khuỷu tay, ngón tay, gót chân. Khi bao hoạt dịch bị viêm có thể dẫn đến tình trạng đau, cứng khớp ở khớp tương ứng; Bệnh gout: Gây sưng đau, cứng khớp, khó đi lại. Khớp ngón chân cái thường bị ảnh hưởng đầu tiên; Các bệnh viêm xương khớp: như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm xương khớp do chấn thương,... đều có thể gây tình trạng cứng khớp.

Bệnh cứng khớp nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm

Bệnh cứng khớp nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa nguồn internet

Cảnh giác cứng khớp tái phát khi chuyển mùa

Cứng khớp tái phát rất dễ xảy ra, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa sang lạnh. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như: trời lạnh làm các mạch máu co lại, lượng máu đến nuôi khớp bị suy giảm. Đặc biệt ở người cao tuổi, các mạch máu bị lão hóa, không còn hoạt động tốt như thời trẻ, lưu lượng máu đến khớp sẽ ít đi. Khi thời tiết chuyển mùa sang lạnh, nếu nơi ngủ không đảm bảo đủ ấm, nhà ở không kín gió, các triệu chứng cứng khớp tái phát rất dễ xảy ra; Khi trời lạnh, mọi người thường có thói quen ít vận động hơn, điều này làm giảm lưu thông khí huyết, dẫn đến tình trạng đau mỏi, cứng khớp tái phát. Ngoài ra, khi trời lạnh, sức đề kháng cơ thể suy giảm, nhiều căn bệnh như viêm khớp dạng thấp tấn công cơ thể gây cứng khớp.

Tập vật lý trị liệu cho người bệnh khớp.

Tập vật lý trị liệu cho người bệnh khớp. Ảnh minh họa nguồn internet

Làm gì để ngăn ngừa cứng khớp tái phát?

Để ngăn ngừa cứng khớp tái phát, khi mắc các bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, chấn thương khớp, thoái hóa khớp,... người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt là các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán/sản xuất từ những người không có chuyên môn y dược. Các bệnh về xương khớp cần điều trị trong thời gian dài, người bệnh cần kiên trì thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, nóng vội bỏ cuộc hoặc điều trị gián đoạn, sẽ khó kiểm soát tình trạng bệnh, nguy cơ bệnh diễn biến nặng, việc điều trị càng thêm tốn kém, phức tạp.

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa sang lạnh, ở người cao tuổi cần đặc biệt giữ ấm các khớp gối, bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân. Để giảm tình trạng đau nhức, hạn chế vận động khi khớp cứng xảy ra, người bệnh có thể áp dụng chườm nóng và chườm lạnh. Chườm nóng bằng gạc hoặc chai nước ấm giúp tăng lưu thông máu vùng khớp, giúp cơ bắp thư giãn. Còn chườm lạnh bằng gạc vào khớp cứng giúp giảm viêm và sưng. Xoa bóp nhẹ nhàng vùng khớp bị đau bằng dầu gió, dầu tràm, dầu khuynh diệp, các loại cồn xoa bóp,... cũng có tác dụng rất tốt giúp giãn cơ, giảm đau, lưu thông máu.

Tập thể dục và tập vật lý trị liệu cũng là một cách hiệu quả để cải thiện tính di động của khớp. Trước khi tập thể dục, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn hình thức và cường độ vận động phù hợp, tập thể dục sai cách có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh xương khớp.

Thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa các khớp phải chịu lực như khớp háng, khớp gối. Do đó, giảm cân ở người thừa cân, béo phì là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa cứng khớp xảy ra sớm ở người trẻ tuổi.

BS. Nguyễn Văn Đức
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/de-phong-cung-khop-khi-tro-troi-n183815.#html

Bạn đang đọc bài viết "Đề phòng cứng khớp khi trở trời" tại chuyên mục Sức khỏe.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/