“Bố em bị ốm và nhập viện từ Tết, nhưng ông không muốn mọi người lo lắng nên vẫn giấu thông tin anh ạ” – Thái Đông, con trai cả của nhà báo Lưu Vinh cho tôi biết. Đông ngậm ngùi: “Cũng đúng sáng nay, tờ Kinh doanh và Pháp luật do bố em làm Tổng Biên tập xuất bản số cuối cùng, trước khi chuyển thành tạp chí theo quy hoạch báo chí”.
Đại tá, nhà báo Lưu Vinh cùng đoàn công tác Báo CAND trên đường vào vùng lũ Hà Tĩnh (năm 2009). |
Nhà báo Lưu Vinh đã ra đi hồi 8h03, ngày 20/3, sau khi những số báo cuối cùng rời khỏi nhà in và chuyển đến tay bạn đọc. 69 tuổi, hơn 40 năm gắn bó với lực lượng CAND, trong đó có gần 25 năm công tác tại Báo CAND, đến phút cuối đời ông vẫn đam mê với nghề báo. Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc thương đối với nhiều đồng nghiệp, bạn bè và độc giả.
Còn nhớ khi những nhà báo trẻ thế hệ 7X chúng tôi được nhận về Báo CAND để chập chững những bước đầu tiên trong nghề (quãng thời gian 1999-2000), nhà báo Lưu Vinh đang là Trưởng Ban biên tập của Báo. Nhà báo Lưu Vinh sinh năm 1952 tại Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là học viên khoá đầu tiên (D1) của Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân). Từ thời điểm còn đi học ở Trường Đại học hay ra nước ngoài trên tư cách nghiên cứu sinh tại Nga và sau này về nước, ông đã thường xuyên viết bài cộng tác với nhiều tờ báo trong và ngoài lực lượng. Niềm đam mê nghề nghiệp sau này đã đưa ông gắn bó với Báo CAND.
Bài học đầu tiên mà những người làm báo trẻ chúng tôi học được ở ông thời đó và ngay cả đến bây giờ, đó là sự say mê, nhiệt huyết với nghề. Phòng làm việc của ông ở góc phố Thợ Nhuộm khi ấy luôn chật ních những chồng sách báo đủ loại. Ông tranh thủ đọc, tranh thủ sưu tầm các loại sách báo trong tất cả những chuyến công tác gần xa.
Là một cán bộ quản lý, công việc toà soạn bận rộn nên ông tranh thủ bất cứ khoảng thời gian rảnh nào để viết báo. Là một người rất yêu quý những phóng viên trẻ mới vào nghề nên ông tận tình hướng dẫn cho chúng tôi từng đề tài, cách thức tác nghiệp. Thậm chí nhiều lần ông trực tiếp lái xe cùng phóng viên đi đến hiện trường, gặp nhân vật để tác nghiệp. Có những lần vào các trại giam để viết bài, ông ngồi hàng giờ để hỏi chuyện phạm nhân, tỷ mỷ ghi chép thông tin hay, chi tiết xúc động, nhiều khi quên cả giờ ăn trưa.
Đặc biệt từng nhiều lần được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ra nước ngoài công tác, ông tận dụng triệt để những khoảng thời gian được nghỉ ít ỏi để tác nghiệp. Tranh thủ buổi tối, bỏ cả những bữa ăn, tự thuê xe đến những địa điểm lịch sử, văn hoá để ghi chép những thông tin hay, bổ ích.
Và trong lần tháp tùng Thủ tướng Chính phủ sang Mỹ, khi được tới thăm khách sạn House Parker tại thành phố Boston, nơi đầu thế kỷ XX, Bác Hồ đã làm tại đây với công việc của một người thợ làm bánh ông đã có được tác phẩm báo chí đầy ý nghĩa. Chỉ một thời gian ngắn tại đây, nhưng khi được chạm tay vào những kỷ vật mà cách đây gần thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sống và làm việc, ông đã run lên vì xúc động.
Sau khi về nước, ông tìm đến một số nơi như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để tra cứu, tìm hiểu thêm tư liệu và cuối cùng bài ghi chép "Dấu ấn Bác Hồ ở Boston" hoàn thành. Tác phẩm đã gây ấn tượng đối với bạn đọc và sau đó đoạt Giải Báo chí toàn quốc năm 2005.
Có một thói quen mà chúng tôi rất nể phục ở ông, đó đi đâu nhà báo Lưu Vinh cũng mang theo bên mình sổ tay, bút viết và máy ảnh. Không quản ngại đường sá xa xôi, chỉ cần nghe ở đâu có đề tài hay, hấp dẫn là sẵn sàng lên đường.
Gần 25 năm công tác tại Báo CAND, dấu chân của ông đã đi khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Đi nhiều, viết khoẻ, ông là một trong số ít những nhà báo của Báo CAND có cho mình nhiều giải báo chí nhất. Trong đó có 8 Giải Báo chí Quốc gia. Phần lớn những tác phẩm đoạt giải của ông luôn mang nặng dấu ấn những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước. Trong đó đơn cử như Giải Báo chí Quốc gia lần thứ I năm 2007, ông cùng các đồng nghiệp đã đoạt giải B, giải thưởng cao nhất của thể loại ghi chép năm đó cho loạt bài “Doanh nhân Việt Nam – Nụ cười và nước mắt”.
Đại tá, nhà báo Lưu Vinh. |
Một loạt bài được dư luận và đồng nghiệp đánh giá cao thông điệp truyền tải từ những câu chuyện, những ghi chép hết sức chân thực, cụ thể của những doanh nhân vượt lên những thăng trầm, khó khăn để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho đất nước sau những năm đổi mới. Từ loạt bài viết đó, nhà báo Lưu Vinh đã triển khai mở rộng đề tài và xuất bản thành tập sách cùng tên gồm 17 tập.
Là một nhà báo nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo ở Báo CAND nhưng ông để lại ấn tượng sâu sắc đối với thế hệ những nhà báo trẻ bởi tính cách hiền lành, sự giản dị và gần gũi, tận tâm với đồng nghiệp, đặc biệt là với những nhà báo trẻ mới vào nghề. Sau hơn 40 năm cống hiến trong lực lượng CAND, năm 2012 ông được nghỉ hưu theo chế độ.
Tuy nhiên, với sự đam mê nghề báo và sức sáng tạo không mệt mỏi, ông lại tiếp tục theo nghề trên cương vị là Tổng Biên tập Báo Kinh doanh và Pháp luật từ đó đến nay. Viết báo, in sách, làm thơ… ông còn trực tiếp quản lý và điều hành một tờ báo trong bối cảnh sự cạnh tranh gay gắt của báo in truyền thống với mạng xã hội. Sự đam mê, sức sáng tạo và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ của ông đã thực sự để lại bài học và truyền cảm hứng cho những người làm báo trẻ chúng tôi.
Đại tá, nhà báo Lưu Vinh không còn nữa. Nhớ về ông, chúng tôi vẫn thấy như còn đâu đây dáng đi tất bật, luôn lao về phía trước của một nhà báo tràn trề năng lượng và đầy nhiệt huyết. Có lẽ với ông, được lao động, được làm nghề là điều hạnh phúc nhất. Sau những năm tháng miệt mài trên từng con chữ, giờ này, có lẽ ông đã được sum họp bên bố mình, người liệt sĩ Công an anh dũng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968; về bên người mẹ hiền đức hạnh, tần tảo thay chồng nuôi các con ăn học trưởng thành.
Bài viết này xin được xem như nén tâm hương kính cẩn dâng lên hương hồn Đại tá, nhà báo Lưu Vinh. Cầu mong chú, người thầy, người thủ trưởng kính mến của thế hệ những nhà báo trẻ Báo CAND hôm nay mãi mãi được thanh thản ở cõi vĩnh hằng.
Ngoài các tác phẩm báo chí được đăng tải trên nhiều tờ báo, Đại tá Lưu Vinh còn là chủ biên và tham gia biên soạn hàng chục đầu sách như: “Hồ Chí Minh con người đẹp nhất”, “Theo dấu chân Bác”, “Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn”, “Phan Trọng Tuệ - Vị tướng - Bộ trưởng đức độ tài năng”, “Trung tướng Trần Quyết - người cộng sản trung kiên”, “Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười & Nước mắt”, “Nỗi đau thời hậu chiến”; “Huyền thoại cầu Hiền Lương”, “Nữ doanh nhân thời hội nhập”; “Tình người nơi đất trại”, “Những nẻo đường hoàn lương”. Tác giả của các cuốn sách: “Những chứng nhân lịch sử”, “Năm lần tháp tùng Thủ tướng”, “Theo vết đường dây đen”, “Tội phạm thời mở cửa”, “Buôn vàng”, “Gặp gỡ nơi xứ người”, “Lệnh truy nã”, “Mười ngày trên đất Mỹ”; tác giả của 5 tập thơ: “Thơ và đời”; “Tặng mẹ tặng em” (thơ); “Dòng sông nơi em”; “Gặp lại người xưa”: “Theo dòng thời gian”… |
Theo CAND