Chủ vườn phản biện ông Toàn 'đô la' về lan đột biến

Đăng bởi Tuấn

10/08/2020 10:16

“Xã hội có khoảng 80% người nghĩ như ông Toàn, vì thế không có gì thay đổi trong cuộc sống. Còn những người nghĩ khác thì hiện nhiều người đã xây nhà, mua ô tô”…

Chủ vườn lan đột biến, ông Nguyễn Bá Toan

Đối thoại trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Bá Toan - chủ vườn lan đột biến nổi tiếng An Phú ở thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) phản biện lại đại gia Phan Văn Toàn (Toàn đô la, ở TP Việt Trì, Phú Thọ) nổi tiếng về thú chơi cây cảnh. Chuyện thổi giá hay không và vì sao một giò lan tăng 10 giá lên vài tỷ đồng chỉ sau ít tháng cũng được ông Toan giải mã.

Nên thông cảm cho ông ấy

Ông có đọc bài báo phỏng vấn ông Toàn "đô la” mang tên “Lan phi điệp đột biến: Đại gia nói 'trái đắng' 500 tỉ đồng” của một tờ báo sau đó được nhiều báo khác dẫn lại không? Ông nghĩ sao về chuyện ông ấy nói bong bóng lan đột biến sắp vỡ do “thổi giá”?

Tôi có đọc lướt qua và hoàn toàn hiểu, thông cảm với ông ấy vì chưa chơi nên mới cho rằng giao dịch lan đột biến toàn là thổi giá. Tôi không biết những chuyện thổi giá khác thế nào nên không dám chắc 100% nhưng chỉ nói với 1 giò lan đột biến Bạch Tuyết đang có ở vườn, trước đây 3 tháng anh Đức Anh ở xã Sơn Vi (Lâm Thao, Phú Thọ) bán cho anh Khoa ở xã Tam Cường (Tam Nông, Phú Thọ) với giá 540 triệu. Anh Khoa nuôi trong 1 tháng bán cho anh Lâm ở xã Sơn Vi với giá khoảng 1,4 tỉ. Anh Lâm nuôi chưa đầy 1 tháng bán cho tôi 2,5 tỉ đồng.

Sau hai ngày rưỡi bán cho tôi thì anh Lâm xin mua lại và cộng thêm 500 triệu. Giò này bây giờ tôi muốn bán 5 tỉ được ngay. Nếu người bên ngoài nghe chuyện này nhất định cho là thổi giá. Vậy ông Toàn "đô la” không ở trong cuộc nên đánh giá cũng như những người khác thôi. Tôi không trách gì ông ấy cả.

Chậu lan đột biến Bạch Tuyết được ông Toan định giá 5 tỉ

Cây để nhiều người thích, trả giá đắt trước tiên phải đẹp, sau đó phải hiếm, thứ nữa phải dễ nhân giống (dễ so với lan đột biến chứ không phải lan thường-PV). Đó là những đặc tính của Bạch Tuyết. 10 nhà vườn ở Phú Thọ này theo tôi chỉ có 1 nhà vườn có ki thôi. Còn lan 5 cánh trắng Phú Thọ cũng đẹp nhưng giờ quý mà không quá hiếm nữa. 10 nhà vườn ước 5 có ki trong đó chừng 3 có giò. Tuy nhiên có rất nhiều người khác vẫn chưa bao giờ được sờ vào giò lan 5 cánh trắng Phú Thọ.

Thế thì tại sao không phải thổi mà giá của giò lan chỉ trong 3 tháng tăng gấp gần 10 lần như vậy?

Có hai lý do. Thứ nhất là do nó lớn. Hôm nay ta mua cho là hơi đắt, vài ngày sau nó đã rẻ rồi. Lan 5 cánh trắng Phú Thọ 1 năm chỉ đẻ 1 lần nhưng Bạch Tuyết 1 năm đẻ 2 - 3 lần. Do đặc tính khó ra hoa nhưng lại ra ki nhiều nên nó được người chơi bình chọn là cây lan làm kinh tế tốt nhất hiện nay. Bởi thế hễ thấy Bạch Tuyết “lên sóng” cái là có người mua ngay, thậm chí 1 mắt chưa thò ra thành ki đã có 150 triệu rồi.

"Với kinh nghiệm của tôi về lan 5 cánh trắng Phú Thọ hơn 10 năm nay, tại sao nó đắt? Bởi nó là đột biến, cả trăm, cả ngàn năm mới hình thành được, hoa lại rất đẹp. Năm 2010 nó chỉ có giá 50.000 x 60.000 đồng/cm, hiện những cây đẹp dao động 1,4 - 1,5 triệu/cm còn thì khoảng 1 triệu/cm. Một lý do nữa nó đắt bởi không thể lớn nhanh như các dòng phi điệp khác", ông Toan chia sẻ.

Ông Toan: Tôi mua giò Bạch Tuyết này lúc 3h chiều ngày 2/7

Tôi mua giò Bạch Tuyết này lúc 3h chiều ngày 2/7, có chụp lại ảnh đây, đến hôm nay 4/8 nó đã lớn đến mức thế nào, mà hoàn toàn tự nhiên không dùng thuốc kích thích gì cả. Đơn vị người ta quy ra tiền để thanh toán với nhau là chiều cao của lan. Nhiều người cứ nghĩ là bón nhiều là lớn nhanh nhưng hoàn toàn không phải. Bí quyết của tôi là cho ăn điều độ, vừa đủ để cây không mắc bệnh đã là lớn nhanh rồi.

Thứ hai là do nó hiếm. Tại sao gần đây giá lan tăng so với trước rất nhiều bởi vì số người chơi bây giờ quá lớn. Tôi ước đoán, từ 2018 đến nay trong tỉnh Phú Thọ này mua ô tô từ nguồn thu nhập trồng lan phải cỡ 100, có những xe đắt nhất đến 6 tỉ. Khi chơi lan, lao động được thu hút, tạo nền kinh tế cho xã hội như sắt thép (vì cần để làm khung nhà), ô tô, du lịch, ăn uống… đều phát triển.

Gần đây có rất nhiều tấm lòng từ thiện điển hình như vườn lan anh Chính. Anh ấy thấy dịch Covid-19 đã phát động anh em chơi lan chung tay quyên góp được khoảng 2 tỉ. Riêng giò lan đột biến 5 cánh trắng Huyền thoại bướm đại ngàn của anh ấy đấu giá được 11,7 tỉ đều ủng hộ hết. Tôi mới gọi điện trực tiếp hỏi, anh ấy bảo đã chuyển khoản rồi…

Lập vi bằng chuyện từ thiện lan Huyền thoại bướm đại ngàn

Giấy tờ chuyển tiền từ thiện 11,7 tỉ đồng

Lan là thú chơi tao nhã giúp ta thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Bản thân tôi mỗi lần tưới lan đều tâm sự với chúng kiểu như “Nắng nóng như này tưới thế đã đủ chưa lan nhỉ?”. Tôi yêu chúng bao nhiêu thì chúng cũng đem lại nguồn động viên, cổ vũ bấy nhiêu, đó chính là thu nhập.

Ông Toàn "đô la” có nói không chỉ đại gia chuyên chơi cây cảnh mắc vào “bong bóng lan đột biến” mà còn có nhiều nông dân, ông nghĩ ra sao về ý này?

(Cười). Trồng lan là một thú chơi lịch sự, tao nhã và rất giản dị nhưng nó lại làm được những việc vĩ đại. Tôi đây cũng là nông dân. Nếu không nhờ có lan trong 2 năm nay tôi không thể có 11 tỉ để mua đất, làm nhà và sắm ô tô mới cũng như đi từ thiện được. Tôi biết nhiều nông dân nhờ lan mà thoát nghèo.

Nếu như ông Toàn "đô la” mà chơi lan thì còn có cơ hội giúp cho nhiều người nghèo thoát nghèo thành công, trở nên giàu có và lại còn giúp được những người khác nữa.

Chuyện của hai người nông dân

Ông Toàn "đô la” có mô tả về tình trạng hiện tại của những người chơi lan là tiếp tục ôm thì chết sâu còn nói ra cũng không dám vì sợ không thể bán cho ai nên phải “ngậm đắng nuốt cay”?

Trong xã hội có khoảng 80% người sẽ nghĩ như ông Toàn. Vì thế, họ không có gì thay đổi trong cuộc sống. Còn những người nghĩ khác thì hiện rất nhiều người xóa được nợ ngân hàng, xây được nhà, mua được xe.

Tôi có những ví dụ rất cụ thể như sau: Cô Phương ở thị trấn huyện Thanh Ba (Phú Thọ) cách đây 2 năm xuống nhà tôi bảo rằng: “Anh ơi, hôm nay em bán thửa ruộng được 20 triệu, anh bán cho em 1 cái ki”. Tôi nghĩ là cô ấy nói đùa.

Một thời gian cô ấy lại đến nhà bảo rằng: “Anh ơi, hôm nay em bán được con bò, cũng được 20 triệu, anh bán cho em 1 cái ki”. Lần này còn có ông anh chồng đi theo nữa. Sau đó gặp cô mới bảo hôm ấy ông anh chồng đi cùng đã ôm tiền theo rồi nhưng thấy 20 triệu chỉ được một mẩu lan ngăn ngắn nên không dám mua. Về cô mượn luôn để mua lan tiếp.

2 năm sau, tôi cùng con lên thăm thì cô mới làm được cái nhà cỡ hơn 2 tỉ và có khoảng 5 tỉ tiền lan trong vườn. Đến tận nơi tôi mới tin rằng cô ấy bán ruộng, bán bò để mua lan thật.

Chồng cô ấy còn kể: “Em có con bò tốt nhất vùng, có ngày lấy giống 2 lần được 800.000 đồng nên khi bán đi để mua lan ai cũng bảo là điên. Đến bây giờ em xây nhà mà nhiều người vẫn không tin là nhờ bán lan”. Đây là số điện thoại của cô chú ấy, nếu anh có thời gian, tôi trân trọng mời đến tận nơi.

Mỗi cm Bạch Tuyết có giá vài cây vàng

Cũng là nông dân có anh Thành xe ôm gần nhà tôi đây. Trở lại chuyện 8 năm trước, khi tôi sang nhà ông Khuất Duy Tiến - nguyên Bí thư xã Cổ Tiết huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (Xin đọc lại bài "Về quê của lan đột biến: Từ “tầm gửi” cây đa, thành ra bạc tỉ") hỏi mua lan 5 cánh trắng Phú Thọ. Ông ấy đồng ý bán, không mang đủ tiền, tôi sợ đánh tháo nên ngồi ngay tại đấy gọi điện về nhà và cho anh Thành đem tiền ra chở lan về.

Anh ấy sau đó còn nhiều lần chở lan đột biến cho tôi, biết rất rõ chơi và kinh doanh nó lãi như thế nào cũng không thay đổi tư duy, không tham gia nên nay vẫn là xe ôm. Kể cả anh vợ, em vợ tôi cùng những hàng xóm liền kề được tôi động viên bảo trồng lan đi, có gì sẽ hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật, hỗ trợ giống nhưng cũng không theo mà chỉ ồ, à: “Sao nhiều tiền thế? Thật à?”.

Tôi hiểu ý bong bóng lan của ông Toàn "đô la” là như bán hàng đa cấp, người này lừa dối người kia, tiền người này chảy vào túi người kia, hàng chục người, hàng trăm người nghèo đi để một vài kẻ giàu lên.

Đó thường là những người vào cuộc sớm nhưng rút nhanh nên thắng đậm còn những người chơi muộn, cứ mải mê mua vào thành ra dính trọn. Vậy đã có ai nghèo đi vì lan đột biến chưa? Có ai nhiều lan đột biến mà không bán được không?

Cây cảnh từ tỉ trở lên mới là hàng có thương hiệu, phải là những người lắm tiền mới mua được còn nông dân thì lấy đâu ra? Nhưng cây lan đột biến có 50 triệu vẫn có thể thoát nghèo.

Như cô Hằng ở quán cà phê Gió Mới đối diện nhà tôi đây, trước tết có nói với tôi rằng: “Em rất thích chơi lan nhưng chồng em không thích, có 10 triệu đây, bác để cho 1 mầm, đừng nói cho nhà em biết kẻo ăn mắng”.

Sau 6 tháng, vừa rồi cô ấy bán mầm lan đó được 58 triệu. Thấy thế, chú Phong chồng cô ấy một buổi đến nhà tôi bảo: “Bác có mầm nào nhỏ nhất, độ 5 triệu để cho em một cái để hôm tới sinh nhật nhà em thì tặng. Mọi năm hỏi bảo thích quà này, quà kia nhưng năm nay chỉ thích phong lan thôi”.

Tôi cũng bán cho 1 ki 5 triệu. Không may, chú ấy trồng nhưng không biết theo dõi để sên ăn mất hai cái mầm gốc nên vừa bán được có 6,5 triệu.

Lĩnh vực kinh doanh nào cũng có rủi ro. Với lan đột biến, rủi ro với những người mới chơi là quá nhẹ dạ, cả tin, mua cây không đúng chỗ uy tín. Vừa rồi có nhiều rao bán lan đột biến trên mạng xã hội, nào là 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, Bạch Tuyết, Bảo Duy… Nhưng thực tế hầu hết chúng đều là cây công nghiệp, không giống cây mẹ tí nào.

Ông Toan bên chậu lan 5 cánh trắng Phú Thọ còn non

Tuấn
Nguồn https://nongnghiep.vn/chu-vuon-phan-bien-ong-toan-do-la-ve-lan-dot-bien-d270608.html

Bạn đang đọc bài viết "Chủ vườn phản biện ông Toàn 'đô la' về lan đột biến" tại chuyên mục KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/