Các cụ cao niên ở làng Quảng Khánh (phường Quảng An, quận Tây Hồ) kể rằng, xưa kia ốc ở hồ Tây nhiều không tả xiết. Khi những cơn mưa xuân tháng Giêng lất phất bay cũng là lúc ốc hồ Tây béo và ngon nhất. Đó là lý do vì sao bún ốc phủ Tây Hồ nổi tiếng đến vậy. Hằng năm, vào dịp đầu xuân, du khách từ khắp nơi đổ về đây lễ mẫu Liễu Hạnh, đồng thời không quên thưởng thức món bún ốc với hương vị độc đáo khó quên này.
Nhiều người lầm tưởng món bún ốc có vẻ đơn giản, dễ làm nhưng thực ra là khá cầu kỳ. Trước tiên, phải chọn loại ốc cỡ trung bình, vỏ óng vàng, béo tròn, miệng đầy, vừa được bắt từ dưới hồ lên. Để ốc nhả bớt nhớt và sạn, người ta ngâm ốc trong nước vo gạo cùng một chút ớt tươi, sau đó, luộc ốc trong nước sạch. Ốc vừa chín tới thì vớt ra, đập khẽ phần đuôi rồi dùng cái khêu sắt xoáy và nhấc phần thịt ốc ra ngoài, ướp gia vị cho đậm đà. Khi có khách ăn, chủ quán đổ ốc vào chảo mỡ nóng già, phi cùng chút hành tím cho dậy mùi thơm, đảo vừa chín tới để thịt ốc ngấm gia vị, chín mềm rồi đổ ra bát sạch.
Tiếp đó là khâu chế biến nước dùng. Để nước dùng thơm ngon, không thể thiếu nước luộc ốc cùng nước hầm xương. Nước dùng phải thật trong, không bị sạn hoặc tanh. Muốn vậy, người ta hòa thêm giấm bỗng cùng cà chua đã được phi hành thơm vào phần nước dùng theo một tỷ lệ nhất định. Để có bát bún ốc đạt hương vị chuẩn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người nấu.
Bún ốc phủ Tây Hồ ngon lạ miệng còn bởi người làng Quảng Khánh chỉ chọn bún Phú Đô - loại có sợi nhỏ, dài, dai, làm từ gạo ngon. Sau khi chần qua nước nóng, người ta đặt lên bát bún những con ốc đã xào, một chút hành lá, tía tô thái thật nhỏ cùng vài lát cà chua, một chút ớt chưng, giấm bỗng, gia vị và chan nước dùng nóng hôi hổi lên trên. Khi bát bún đến tay thực khách cũng là lúc các thứ rau, hành vừa chín tới; gia vị nêm cũng đủ ngấm và hòa quyện tạo nên hương vị đặc biệt. Thưởng thức bát bún ốc nóng trong thời tiết se lạnh càng khiến người ta nhớ lâu hơn về một món ăn tinh tế của người Hà Nội, một đặc sản riêng có của hồ Tây.
Ngày nay, ốc ở hồ Tây không còn nhiều như trước, các hàng quán phải thu mua ốc từ vùng khác về, nhưng thói quen lên phủ Tây Hồ ăn bún ốc vẫn được người Hà Nội giữ gìn như một thú vui. Đó cũng chính là giá trị phi vật thể của những di sản văn hóa vẫn hằng ngày hiện hữu trong đời sống của người Hà Nội.